Địa chỉ:     18B2 Đường số 3, Phường 15, Quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh
                 Tel:           (84) 0909 466 876
                 Email:        duy.pham@dangduylawyer.com
                 Skype:       dangduylawyer 

QUÀ CHO AI?

Đăng lúc: Thứ ba - 06/08/2013 21:45 - Người đăng bài viết: dangduy
Tôi có người anh ruột bị bệnh phong. Đó là thứ bệnh mà người đời thường dè bỉu "đồ bẩn như hủi", "đồ lười như hủi". Tôi thương anh nhất nhà vì anh thiệt thòi nhất trong mấy anh em.
Năm 1954 kháng chiến chống thực dân Pháp chấm dứt, hòa bình lập lại. Bốn anh em tôi đều có tiêu chuẩn đi tập kết ra Bắc, vì ba tôi là liệt sĩ. Trước khi mất, ba tôi là Tỉnh ủy viên tỉnh Long Châu Hà, kiêm phụ trách tòa án tỉnh.
Nhưng anh Mậu (anh cả) của chúng tôi không được đi vì anh mắc bệnh phong. Ngày ấy các chú cứ nghĩ ra Bắc lạnh anh sẽ không chịu nổi. Anh ở lại miền Nam một mình trong cảnh buồn tủi vì bệnh tật, đói nghèo... Đã nhiều lần anh định tìm tới cái chết... Nhưng rồi anh lại tự nhủ" Phải ráng sống đẻ chờ các em trở về, rồi có chết cũng được". Tôi lúc nào cũng nhớ thương anh. Chỉ mong mau chóng thống nhất để anh em được đoàn tụ. 
Ngày giải phóng, anh em tôi gặp nhau trong nước mắt chứa chan, mừng mừng tủi tủi. Tôi khóc nghẹn, lao lại ôm anh, hôn lên khuôn mặt vì vi khuẩn hansen đã làm cho biến dạng . Anh run lên vì cảm động khi thấy tôi không hề ghê sợ.
Sau khi đi học đạo diễn sân khấu ở Bugaria trở về, tôi được mời về giảng dạy trong trường NTSK2 ở TPHCM. Từ đó trở đi tôi thường đi xe đò ra Quán Chim (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) thăm anh tôi.Sau này người ta gọi Quán Chim là làng Bình Minh.
1
Nghệ sĩ Kim Chi
Đó là một cái làng dành cho những người bị bệnh phong đã ổn định. Làng nằm gần chùa Thường Chiếu ( chùa lớn nhất miền Nam do thầy Thích Thanh Từ xây dựng từ rất lâu, trước giải phóng ).
Mỗi lần tôi thăm anh, bao giờ tôi cũng mang trà và nhiều bánh kẹo, trái cây để anh mời hàng xóm tới chơi. Anh tôi tên là Nguyễn Duy Anh, ở nhà gọi anh là Mậu. Còn ở Quán Chim mọi người lại gọi anh là "Anh hai Kiên Giang". Anh em tôi đều sinh ra ở Rạch Giá (Kiên Giang). Anh có học nên bà con rất nể trọng. Bà con ở đây hầu hết bị gia đình bỏ rơi vì người ta sợ mang tiếng có người nhà bị hủi. Vì lẽ đó mỗi khi tôi đến đó bà con rất quí tôi. Bà con gọi tôi là "cô năm", gọi theo cách anh hai tôi vẫn gọi tôi. Khi thấy tôi đến là mọi người thông báo " cô năm đã tới". Vậy là chiều đến cả xóm tụ tập lại trước sân nhà anh tôi để uống trà, ăn kẹo, bánh và nói đủ thứ chuyện. Tôi đã trở thành niềm an ủi cho anh tôi và những người bệnh phong ở Quán Chim. Mọi người ở đây quí tôi vì thấy tôi thương anh tôi và biết tôi thương cả làng bệnh phong.Bao giờ tới thăm anh tôi cũng ngủ lại đêm. Tôi cố làm cho anh hiểu rằng tôi không sợ lây để anh không mặc cảm, tủi thân. Anh tôi có một niềm tự hào nho nhỏ về cô em gái út. Mỗi khi nghe ai đó trong làng khen em gái anh "đẹp" thì anh sung sướng ra mặt. Anh vội vàng khoe ngay:" Nó tên Kim Chi, có nghĩa là "cành vàng".
Nhà này má tôi đẻ toàn con trai, đến khi đẻ nó, ba má tôi quí quá nên đặt là cành vàng.. Nó có bí danh khi đi chiến trường là Hồng Anh, đó là nó ghép tên tôi và chồng nó..." Tất cả những bài báo, những tạp chí điện ảnh có đăng về tôi, anh đều cất giữ như của báu. Tình yêu mà anh tôi dành cho tôi đã khiến cho những người ở làng phong cũng bị lây theo.
Sau này anh tôi mất, tôi ít có dịp quay lại Quán Chim. Nhưng tôi luôn nghĩ về những con người bất hạnh đó.Vì lẽ đó khi nghe thầy Thích Thanh Phương tổ chức đi từ thiện ở Quán Chim là tôi tham gia liền.
Lần đó chúng tôi góp tiền lại mua rất nhiều thực phẩm: gạo, mì tôm, đường, sữa, bánh kẹo,chăn, mền ...vv mang tới cho bà con bệnh phong.
Thấy tôi và Lý Bạch Huệ là nghệ sĩ có mặt trong đoàn đi từ thiện thì có nhiều người hào hứng tham gia.
Khi đoàn tới Quán Chim, nhìn thấy tôi, bà con mừng lắm. Các cháu bé reo lên:
- Có cô năm em bác hai Kiên Giang cũng tới...
Tôi đang rất vui được chuyện trò cùng bà con thì có ngươi gọi tôi:
- Mời cô Kim Chi tới gặp thầy ...Có chuyện rắc rối rồi, cô ơi.!..
Tôi vội vã đi đến chỗ xe hàng. Thầy Thanh Phương vẻ mặt lo lắng:
- Cô Kim Chi ơi, có mấy người tới không cho chúng ta đưa hàng vào chùa để phân phát trực tiếp cho bà con.
Tôi hỏi thầy:
- Thưa thầy họ là ai?
- Họ bảo họ là cán bộ xã...
- Họ muốn gì ạ?
Thầy lắc đầu:
- Mấy người đó biểu phải đưa đồ vào nhà của một cậu làm ở ủy ban xã. Ở đây tự họ sẽ lập danh sách rồi mới phân phát...
Tôi nói với thầy:
- Dạ, vậy là con rõ rồi ạ!
Thầy hỏi:
- Cô rõ sao?
- Rõ là họ muốn ăn dùm số đồ này.!
Thầy nhìn tôi lo lắng thật sự:
- Chết rồi! Không lẽ họ lại tệ vậy. Họ dám làm vậy thiệt hả cô?
Mọi người trong đoàn từ thiện vây lấy tôi với vẻ lo lắng thật sự.
Tôi đã nghĩ ra được một cách, tôi nói với thầy Phương và mọi người:
.- Xin thầy và mọi người yên lòng!
Rồi tôi nói nhỏ với thầy Phương kế hoạch của tôi. Nghe xong, thầy Phương gật gù, thầy nói lớn:
- Xin mọi người chịu khó chất hàng lại lên xe, ta chuẩn bị trở về Sài Gòn...
Mọi người quá bất mãn, nhiều người nói lớn:
- Vậy là mang hàng về hả thầy?
- Trời ơi, đem về thì số hàng này cất vào đâu?
Tôi cố ý nói to cho mấy "cán bộ xã" nghe:
- Chúng ta đem quà cho bà con bệnh phong, quyền cho ai là của chúng ta. Nhưng chính quyền xã đòi nộp cho xã để xã phân phát thì các vị có tin sẽ đến tay bà con không?
Mọi người buồn bực đưa hàng lên xe.
Tôi lẽn vào sau sân chùa, vẫy mấy người bệnh đi theo:
- Khi xe nổ máy thì bà con mình gào khóc thật to vào. La lớn rằng" Trời ơi, chúng tôi nghèo khổ vầy mà có người cho quà lại không được nhận...".
Tôi đi nhanh trở ra tìm mấy "cán bộ xã". Tôi hỏi họ:
- Xin làm ơn cho tôi biết ai là cán bộ xã đã ra lệnh cấm đoàn từ thiện của thầy Thông Phương không được phép cho quà trực tiếp bệnh nhân phong? Xin cho biết lí do vì sao lại thế?
Một người trong số đó :
- Là lãnh đạo xã đã ra lịnh ...
Tôi mở túi móc ra cuốn sổ tay, xé một tờ đưa cho người vừa trả lời:
- Anh làm ơn ghi rõ tên ông lãnh đạo xã của anh, người đã ra cái lệnh không bình thường đó. Rồi anh ghi rõ họ tên các anh. Bên dưới kí tên đàng hoàng.
Một trong hai người đó hỏi lại:
- Chúng tôi không làm theo ý chị thì sao?
- Chúng tôi sẽ lập biên bản về việc các anh không cho chúng tôi trao quà cho bà con bệnh nhân phong mà lại đòi đưa hàng cho các anh. Xe hàng sẽ được mang trở về thành phố. Ngày mai tôi sẽ cùng thầy Thanh Phương đến Ủy ban nhân dân huyện Long Thành báo cáo về việc này...
Hai người nhìn nhau hơi lúng túng. Tôi nhìn mấy anh chị bệnh nhân đang theo dõi câu chuyện và nháy mắt ra hiệu cho họ làm theo điều tôi dặn.
Bên ngoài có tiếng gọi của ai đó:
- Nói chuyện xong chưa cô Kim Chi ơi, về không sắp tối rồi...
Tiếng xe nổ máy.Bỗng tiếng khóc cất lên từ phía bà con bệnh phong:
- Trời đất ơi, chúng con đói khổ vầy mà người ta lại không cho đoàn từ thiện
cứu trợ...
Những người bệnh phong lao tới bên chiếc xe kêu khóc. Họ khóc thật sự vì họ nghĩ chúng tôi sẽ về thật.
Hai vị " cán bộ xã " bỗng cuống quít chạy ra xe:
- Thôi, mấy người cho xe vào chùa đưa quà cho bà con đi. Chúng tôi sẽ báo cáo lại với lãnh đạo xã sau ...
Chúng tôi chỉ chờ đợi có thế.
Xe chạy đến cửa chùa. Ngôi chùa làng bé tí như một căn nhà cấp 4. Số quà được chuyển xuống. Tôi nói lớn:
- Mời bà con vào tất cả trong chùa, ngồi xuống nền gạch. Chúng ta sẽ lần lượt nhận quà. Ai lên nhận thì nói rõ tên họ cho tôi được ghi lại trong cuốn sổ này. Số hàng còn lại, chúng tôi sẽ bổ sung cho những gia đình đông người.
Mọi người mừng mừng tủi tủi lên nhận quà. Mỗi túi quà chỉ có 5kg gạo, 10 gói mì tôm. 1 chai nước mắm, 1kg đường tán, 1gói mì chính ( bột ngọt) và một tấm đắp bằng bông đệt loại rẻ tiền.
Khi chúng tôi trao quà bổ sung xong thì còn mấy túi, tôi nói lớn:
- Mấy túi quà này là phần của anh em UBND xã mình. Chúng tôi xin gửi bà con chuyển tới những cán bộ xã ở đây. Chúng tôi biết anh em ở đây cũng là bệnh nhân phong, cũng nghèo và vất vả lắm... Mong anh em hãy yêu thương bà con cùng cảnh và hết lòng giúp đỡ bà con ở đây...
Thầy Thanh Phương và anh em trong đoàn từ thiện gật đầu, tán đồng.
Người cho cũng như người nhận đều ngập tràn hạnh phúc được sẻ chia.
Những người ngăn chúng tôi cho quà trong giờ phút chia tay với đoàn họ cũng có mặt... Hai cậu " cán bộ xã" hơi ngượng nhưng rồi cũng vui vẻ ôm quà...đi theo tiễn chúng tôi ra xe.
Khi xe nổ máy chạy một đoạn thì một người trong đòan hỏi thầy:
- Thưa thầy, tại sao lúc nãy thầy lại ra lịnh cho chúng con gom hàng lên xe chuẩn bị trở về ?
Thầy Thanh Phương gọi tôi tới ngồi gần thầy:
- Thầy xin nói rõ với các anh chị trong đoàn chuyện đó là do cô Kim Chi xui thầy... Bây giờ cô kể lại cho mọi người nghe đi..
Tôi đã thuật lại kế hoạch đấu tranh với mấy vị "cán bộ" dởm. Moi người cười ồ thích thú .
Thầy Phương nói :
- Chuyến đi này của chúng ta gặp quá nhiều rắc rối. Lúc sáng mới đi tới ngã tư hàng xanh thì ta bị công an thổi còi...
Một người nói chen:
- Họ hạch hỏi đủ chuyện. Cô Chi đã bàn phải chi tiền cho họ không thì còn giằng dai tới trưa ...
Thầy Thanh Phương nói:
- Thầy rất cảm ơn cô Kim Chi ...đề nghị từ đây ta có đi từ thiện đâu thì cô Kim Chi cố gắng thu xếp thời gian để đi cùng.
Tôi cảm động nói với thầy:
- Con sẵn sàng nếu lúc đó con rảnh.
Thầy nói :
- Thầy biết cô đang còn đi dạy ở trường nghệ thuật sân khấu. Thì mình sẽ đi
vào ngày chủ nhật.
Mọi người trên xe đều hoan hỉ, tán đồng khi nghe lời đề nghị của thầy dành cho tôi.. .
Mãi tới bây giò,thỉnh thoảng nhớ lại những lần tiếp xúc với những người bệnh nhân phong, lòng tôi lại trào dâng niềm cảm thương . Cũng một kiếp người mà sao họ bất hạnh thiệt thòi đến vậy... Được đem tới cho họ những món quà dẫu rất đơn sơ, nhưng nặng nghĩa tình của cảnh lá lành đùm lá rách. Đó là thời bao cấp nên ngay cả chúng tôi là những người đi làm từ thịên cũng rất nghèo. Nhưng tôi vẫn nhớ câu "người được cho là người hạnh phúc..."

Phước Thái, tháng 7.2013
KC
Tác giả bài viết: Kim Chi
Nguồn tin: www.lexuanquang.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Chào mừng đến với website Công ty Luật Đăng Duy