Ở giai đoạn này, Hội đồng xét xử sẽ lắng nghe đại diện Viện kiểm sát, các luật sư trình bày các ý kiến phân tích vụ án từ các vị trí tố tụng khác nhau. Do vậy, mục đích của giai đoạn này là giúp cho Hội đồng xét xử có thể nhận thức đầy đủ, toàn diện về vụ án, có được mô hình chính xác về diễn biến của vụ án
Bài phát biểu tại phiên tòa là công cụ tranh luận tốt nhất của các thành viên tham gia. Do vậy, nó cần phải có chiếm thuật. các chứng cứ phải được đánh giá khách quan, song việc bản án tưyên như thế nào, mức hình phạt ra sao, một phần không nhỏ phụ thuộc vào tính thuyết phục của bài phát biểu tham gia tranh luận. Để đạt được mục đích, bài tranh luận cần phải thỏa mãn một số yêu cầu như sau:
1. Yêu cầu về nội dung bài tranh luận:
a. Ngôn ngữ tranh luận phải thực hiện được các chức năng: nhận thức, giao tiếp và tác động tâm lý. Muốn vậy, trong bài tranh luận cần phải kết hợp được ngôn ngữ phổ thông, ngôn ngữ khoa học và ngôn ngữ văn học nghệ thuật. Ngôn ngữ phổ thông sẽ làm cho bài phát biểu trở nên gần gũi, đơn giản, dễ hiểu với mọi người nghe. Ngôn ngữ khoa học giúp người tranh luận sữ dụng các thuật ngữ khoa học khi phát biểu, đảm bảo được tính chặt chẽ, chính xác và có căn cứ khoa học trong bài phát biểu của mình. Để thực hiện được chức năng tác động tâm lý, bài phát biểu phải có tính văn học. Các tình tiết, diễn biến và sự phát triển của vụ án phải được mô tả, phân tích một cách sinh động, gây được xúc cảm cho người nghe.
b. Nội dung tranh luận phải cô đọng, xúc tích. Muốn vậy người phát biểu chỉ nên sử dụng các chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa và các quy định pháp luật tương ứng với chúng mà thôi. Những diễn giải dài dòng sẽ làm cho bài phát biểu không có trọng tâm và làm phân tán sự chú ý của người nghe đối với những tình tiết quan trọng.
c. Phải phân tích mô hình vụ án từ vị trí tố tụng của mình. Trong bài tranh luận không nhất thiết phải phân tích toàn bộ mô hình vụ án. Căn cứ vào mục đích tố tụng của mình, người tranh luận chỉ phân tích những tình tiết, những chứng cứ có lợi cho vị trí tố tụng của mình mà thôi.
d. Phải phân tích đặc điểm tâm lý của bị cáo, người bị hại và làm sáng tỏ các yếu tố sau: những đặc điểm tâm lý (xu hướng, động cơ, mục đích) của hành vi phạm tội; những đặc điểm tâm lý về sự tự điều chỉnh hành vi ở các cá nhân; phản ứng của cá nhân đối với tác động bên ngoài (anh ta bị phụ thuộc hay không phụ thuộc vào tình huống); phân tích tính cách cá nhân và các hành vi điển hình, thường thấy ở anh ta; xác định các điểm yếu của cá nhân; xác định những kiểu hệ thần kinh của cá nhân; xác định những sai sót lệch lạc trong cấu trúc nhân cách của cá nhân cũng như điều kiện sống của anh ta. Sự phác họa chân dung của cá nhân sẽ giúp Hội đồng xét xử hiểu thấu đáo về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
e. Phải đưa ra những kiến nghị cụ thể với Hội đồng xét xử để Hội đồng xét xử xem xét khi nghị án. Mặc dù những người tranh luận không có quyền định tội, định hình phạt cũng như ra các quyết định về vụ án. Song, nếu người tranh luận đưa ra những kiến nghị cụ thể về vụ án và lý giải nó có sức thuyết phục, thì những đề nghị này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tư duy của các thành viên trong Hội đồng xét xử khi họ tiến hành nghị án và bài phát biểu sẽ có hiệu quả hơn.
f. Bài phát biểu tham gia tranh luận có mục đích giáo dục. Các luật sư hành nghề phải thực hiện hai chức năng cơ bản. Một mặt, họ phải bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình. Mặt khác, họ phải giáo dục ý thức pháp luật cho các công dân. Do vậy, khi tham gia tranh luận, họ thể hiện sự tôn trọng Hội đồng xét xử cũng như tuân thủ pháp luật.
2. Yêu cầu về hình thứ thể hiện bài tranh luận
Bài phát biểu tham gia tranh luận phải được thể hiện có sức thuyết phục. Cụ thể, nó phải thu hút được sự chú ý của người nghe, phải tác động tốt tới nhận thức, tình cảm, ý chí của họ. Để đạt được mục đích này, người tranh luận phải có khả năng diễn thuyết. Trong ngôn ngữ nói, phải biết thay đổi nhịp điệu, ngữ điệu đúng lúc, đúng chỗ. Người tranh luận phải biết kết hợp khéo léo giữa ngôn ngữ với các phương tiện biểu cảm phi ngôn ngữ như điệu bộ, cử chỉ, cách biểu cảm…
Tác giả bài viết: Luật sư Phạm Đăng Ngọc Duy sưu tầm
giai đoạn, hội đồng, xét xử, lắng nghe, đại diện, kiểm sát, luật sư, trình bày, ý kiến, phân tích, vị trí, tố tụng, mục đích, có thể, nhận thức, đầy đủ, toàn diện, mô hình
Ý kiến bạn đọc