Địa chỉ:     18B2 Đường số 3, Phường 15, Quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh
                 Tel:           (84) 0909 466 876
                 Email:        duy.pham@dangduylawyer.com
                 Skype:       dangduylawyer 

CÁC YẾU TỐ CHO TÀI HÙNG BIỆN CỦA LUẬT SƯ

Đăng lúc: Thứ hai - 05/08/2013 07:41 - Người đăng bài viết: dangduy
Nghề luật sư gắn liền với nghệ thuật hùng biện. Một Luật sư tranh tụng giỏi phải là ngưới có tài hùng biện. Bởi suy cho cùng, kết quả bào chữa của Luật sư phụ thuộc rất lớn vào bài bào chữa có sức thuyết phục tại phiên tòa. Đặc điểm nghệ thuật hùng biện của Luật sư là được thể hiện trong cuộc tranh luận công khai bằng lời nói, trực tiếp tại phiên tòa theo phương thức đối đáp qua lại, không bị hạn chế về thời gian nhưng có thể bị chủ tọa phiên tòa cắt những ý kiến lạc đề, không có liênq quan đến vụ án. Sự tranh luận, đối đáp qua lại giữa Luật sư với Kiểm sát viên về chứng cứ trong mối liên hệ với sự kiện cần chứng mình sẽ giúp cho việc làm sáng tỏ dần dần sự thật khách quan của vụ án.
Đạt đến nghệ thuật hùng biện ở phiên tòa là khát vọng của tất cả các Luật sư. Thực hiện khát vọng đó không phải là công việc một sớm một chiều mà phải là kết quả của một quá trình rèn luyện, học hỏi, đúc rút, tích lũy kinh nghiệm trong nhiều năm hành ghề cộng với khả năng nói sẵn có. Tuy nhiên, để trở thành một Luật sư tranh tụng có tài hùng biện, cần phải hội tủ đủ các yếu tố cần thiết sau:

1.             Phải có một kiến thức sâu rộng

a.            Một diễn giả hùng biện về một đề tài nào đó thì chắc hẳn ông ta phải có kiến thức sâu, rộng về những vấn đề thuộc lĩnh vực mà đề tài đề cập nói những. Hùng biện là  nói đến những hiểu biết cho ngưòi khác nghe, nếu bản thân diễn giả còn hiểu biết lơ mơ về điều đó thì làm sao có thể nói được trôi chảy, khúc chiết và có sức thuyết phục.
b.           Nhiều người cho rằng kiến thúc của luật sư bao gồm: sự hiểu biết sâu sắc pháp luật và các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội; hiểu biết về kỹ năng hành nghề luật sư và cần có một thái độ đúng mực trong các quan hệ tố tụng mà Luật sư tham gia.
c.            Hiểu biết sâu sắc pháp luật là điều kiện có tính chất nền tảng của những người hành nghề luật. Người Luật sư phải nắm chắc những tri thức lý luận cơ bản về Nhà nước và pháp luật, về pháp luật chuyên ngành. Không thể có hùng biện ở một Luật sư tranh tụng trong phiên tòa hình sự khi bản thân người đó còn hiểu biết chưa thấu đáo về pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, đặc biệt là cấu thành tội phạm, những vấn đề về chứng cứ và chứng minh… Ngoài ra, Luật sư phải có những hiểu biết cần thiết về các môn khoa học xã hội gắn liền với luật học như triết học, xã hội học, lô gic học, tâm lý học tư pháp…; hiểu biết về các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Một vụ án hình sự xảy ra bao giờ cũng gắn liền với những con người, lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội. Để xác định giá trị các sự kiện có liên quan, người Luật sư phải sử dụng nhiều loại kiến thức tương ứng. Nhiều khi để đánh giá một tình tiết nào đó thuộc lĩnh vực chuyên ngành trong một vụ án, người Luật sư phải tìm đọc những tài liệu cần thiết để có sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực đó mới có thể phân tích, tổng hợp và rút ra kết luận cho mình về vấn đề cần chứng minh trong vụ án. Kỹ năng hành nghề luật sư chính là khả năng vận dụng kiến thức pháp luật để giải quyết những vấn đề cụ thể mà vụ án đặt ra, là khả năng ứng phó nhanh chóng vào các tình huống xảy ra trong quá trình xét xử công khai tại phiên tòa, đặc biệt là trong giai đoạn tranh luận, đối đáp giữa luật sư với Kiểm sát viên thực hành quyền công tố trước Tòa.

2.             Phải có một phong cách bình tĩnh tự tin

a.            Phong cách của luật sư thể hiện qua các dấu hiệu bên ngoài như tác phong, vẻ mặt, ánh mắt, cử chỉ, động tác, thái độ… Tại phiên tòa, người Luật sư phải hết sức tự chủ, đĩnh đạc, tránh lúng túng; tự chủ trong xử lý hồ sơ tài liệu một cách khoa học, tự chủ trong quá trình trình bày, tác phong thỏa mái trong giao lưu, kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa lời nói với động tác cử chỉ… Về mặt tâm lý, Luật sư cần xác định rõ rằng mình đang làm công việc diễn thuyết để thuyết phục mọi người trong khán thính phòng, chủ động tạo dần sự đồng cảm nơi người nghe bằng phong cách tự tin.
b.           Phon cách bình tĩnh tự tin chỉ có được khi Luật sư nắm chắc tài liệu, các sự kiện, tình tiết của vụ án. Muốn vậy, Luật sư phải dày công nghiên cứu hồ sơ, hệ thống hóa rõ rằng các chứng cứ, có phương án bào chữa rõ rằng, không lấp lửng theo kiểu nước đôi. Hồ sơ của luật sư phải được sắp xếp một cách khoa học, có hệ thống, tạo thuận lợi cho việc sử dụng chứng minh khi bào chữa…

3.             Khi trình bày, Luật sư phải lập luận chặt chẽ, sử dụng ngôn ngữ chính xác

Bài bào chữa chính là một bản luận cứ pháp lý của Luật sư. Luận điểm do Luật sư đưa ra phải được chứng minh bằng các luận cứ, luận chứng rõ ràng được sắp xếp theo một trật tự logic hợp lý. Từng luận cứ phải được phân tích, chứng minh bằng các sự kiện, tình tiết có tính xác thực, tin cậy. Nghề luật sư đòi hỏi việc sử dụng chính xác các thuật ngữ pháp lý, các khái niệm được dùng trong bài bào chữa phải có nội hàm rõ ràng, tránh dùng từ ngữ đa tầng, đa nghĩa làm người nghe khó hiểu. Luật sư có thể dùng những hình ảnh, ví dụ để so sánh hoặc sử dụng các câu ngạn ngữ trong dân gian để phản ánh nội dung cần trình bày. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ này đòi hỏi Luật sư phải có kỹ năng, kinh nghiệm, một số vốn văn hóa phong phú và với một bản lĩnh vững vàng, nếu không chúng sẽ như “con dao hai lưỡi” phản lại chính người đã sử dụng, gây phản cảm nơi người nghe, làm giảm thiểu giá trị thuyết phục của bài bào chữa.

4.             Phải có một chất giọng tốt, nói có ngữ điệu

a.            Giọng nói là “phương tiện hành nghề” của người Luật sư tranh tụng. Giọng nói có âm lượng tốt, khỏe là yếu tố quan trọng trong nghệ thuật hùng biện của Luật sư. Bài bào chữa dẫu có hay đến mấy nhưng được thể hiện bằng một giọng nói yếu, lí nhí sẽ khiến người nghe khó chịu. Khi bào chữa, tránh giọng nói đều đều, không diễn cảm, không có cao trào. Giọng nói là sự thể hiện tình cảm của người nói bằng những cung bậc khác nhau tùy theo những vấn đề trong nội dung bài bào chữa. Có lúc Luật sư cần phải nói nhanh, nhấn và cao giọng như mộ lời tuyên bố kết luận về một sự thật nào đó, có lúc lại phải nói chậm, nhẹ và dịu khi thể hiện nỗi bất hạnh của con người, sự chịu đựng âm thầm đau đớn trong thân phận của một người bị oan khuất đang cần được minh oan.
b.           Giọng nói là yếu tố vật chất của cơ thể, phụ thuộc vào cấu tạo của thanh quản từ khi sinh ra: có người giọng khan trầm, lại có người có giọng kim, thanh, cao. Các nhà nhân tướng học quan niệm giọng nói là một phần thể hiện sức sống, tính cách của con người. Về mặt tự nhiên, người có giọng nói hay được cho là “thiên phú”, nhưng không phải vì thế mà xem nhẹ yếu tố rèn luyện trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong hành nghề. Luyện giọng và giữ giọng thường xuyên sẽ hạn chế được các khiếm khuyết vốn được xem là tự nhiên. Lịch sử hùng biện thế giới đã có những tấm gương về lòng kiên trì rèn luyện giọng nói và cách nói để đạt được thành công.

5.             Phải có lòng đam mê và một cái tâm trong sáng

Muốn đạt đến nghệ thuật hùng biện, ngoài sự hiểu biết, phong cách, chất giọng… diễn giả nhất thiết phải có lòng đam mê về vấn đề trình bày. Nếu không đam mê điều mình nói thì bài nói đó sẽ “không có lửa”, thiếu sức sống, không có sức truyền cảm đối với người nghe. Chúng ta đã từng chứng kiến những diễn giả nói như quên thời gian, nói đến vã mô hôi khiến người nghe cảm động. Bởi vì, lòng đam mê thể hiện tình cảm chân thật của người nói đối với người nghe. Cũng như thế, Luật sư phải có lòng đam mê nghề nghiệp. Lòng đam mê sẽ đem lại cho Luật sư sự hứng thú, say sưa, giúp Luật sư biết xúc cảm trước nỗi đau của con người, trước công lý bị chà đạp… tấm lòng trong sáng sẽ giúp cho Luật sư nhìn nhận, đánh giá sự vật một cách ngay thẳng, biết mình đã nói những điều mình cho là đúng mà không phải băn khoăn, day dứt với lương tâm.

6.             Phải có thái độ khiêm tốn, chân thành

Vị thế của luật sư là người tham gia tố tụng, sức mạnh vốn có của luật sư chỉ là những luận cứ pháp lý vững chắc, sắc bén, không phải sức mạnh của quyền lực. Bản thân những lập luận có sức thuyết phục đã có giá trị cảm hóa, thuyết phục người nghe. Sức mạnh đó càng được nhân lên gấp bội khi nó được Luật sư thể hiện bằng một thái độ khiêm tốn, chân thành. Nhưng nếu lý luận đó đuợc thể hiện bằng một giọng cao ngạo, dạy bảo, dùng những ngôn ngữ mang tính chỉ trích cá nhân, hoặc nói mỉa mai, bóng gió… sẽ khiến người nghe cảm thấy khó chịu, thậm chí nếu họ cho rằng đã bị xúc phạm thì sự hùng biện – nếu có – sẽ giảm tác dụng của bài bào chữa. Thực tế lịch sử hùng iện đã có những bài học về sự thất bại của diễn giả khi họ bị những tiếng la ó, phản đối chỉ vì họ quá đề cao cái tôi (bản ngã) của mình, nhiều khi chẵng liên quan đến nội dung bài nói…
Tác giả bài viết: Luật sư Nguyễn Minh Tâm
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Chào mừng đến với website Công ty Luật Đăng Duy