Địa chỉ:     18B2 Đường số 3, Phường 15, Quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh
                 Tel:           (84) 0909 466 876
                 Email:        duy.pham@dangduylawyer.com
                 Skype:       dangduylawyer 

Chuyện Lạm Phát Và Thống Kê

Đăng lúc: Thứ tư - 07/08/2013 07:09 - Người đăng bài viết: dangduy
Một trong những kinh điển về “nói dối” là khi Sở Thống Kê của Zimbawe cho biết chì số CPI của Zimbawe chỉ tăng có 48% trong năm 2007 khi thực tế, người dân phải vác một bao bố tiền vài chục ký để mua một ổ bánh mì. Mỗi lần về Việt Nam, tôi hay ngồi quan sát những nam nữ trẻ miệt mài trong quán cà phê hay quán nhậu (hay cả lề đường) và những dân nhập cư vất vưởng khắp nơi để mường tượng về con số thất nghiệp thấp nhất thế giới của Việt Nam: chỉ 1.3%. Tôi vẫn trêu chọc bà giúp việc là chánh phủ nói lạm phát về thực phẩm chỉ tăng có 4% mà sao cứ 6 tháng mà bà đòi tăng tiền chợ gần 100%?

Cả nước cường dương, thuế, phí, giá chỉ lên không xuống

Thứ hai, 05/08/2013 (Báo Phụ Nữ Today)

 

Nhiều người khẳng định chắc nịch rằng, thuế, phí, giá chỉ lên mà không xuống chắc chắn do đều uống Viagra giả.

 

Nhịp điệu chỉ lên không xuống của điện, nước; thực phẩm lên 3 may ra xuống được 1; xăng dầu gọi là theo giá thị trường cho oai chứ thực tế khi lên thì đột ngột với mức cao, còn khi xuống thì nhỏ giọt; rồi đủ loại phí và thuế mới phát sinh, như phí bảo bì đường bộ, phí bảo vệ môi trường, phí vệ sinh, phí nước thải… khiến đa phần độc giả dù ngậm ngùi cũng phải khẳng định như trên.

Cũng không rõ việc chỉ tăng không giảm đấy có làm những người sở hữu nó cảm thấy sung sướng, hạnh phúc không, vì người viết chưa có điều kiện để kiểm chứng. Chỉ thấy rằng việc năm sau thu cao hơn năm trước là một thành tích lớn với đơn vị thu, chuẩn thi đua giữa các đơn vị, và được khen thưởng. Những người sử dụng nó cùng thấy khỏe re, thậm chí có tới 30% số công chức (khoảng 840 vạn người) không làm gì vẫn được thụ hưởng, tướng ngày càng to, thậm chí thân hình to theo chiếc ghế ngồi.

Còn những người chịu tác động của sự tăng giá liên hồi bất tận thì sao? Về thân hình, họ ngày càng tiều tụy. Về tinh thần, họ luôn phải nơm nớp, “sống trong nỗi lo tăng giá”, đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành, vì lương thì mãi chưa tăng mà giá thì đã thi nhau chạy.

 

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, rằng người Việt có tỷ lệ sử dụng các loại thuốc viagra thuộc loại cao nhất thế giới, cả nam và nữ, với đầy đủ các nguồn gốc, từ động vật tới thực vật (thảo mộc), từ tự nhiên tới công nghiệp, chiết xuất tới không cần chiết xuất, kể cả đông tây y kết hợp… nếu không tin quý vị hãy thử mở chương trình truyền hình vào “giờ vàng” (19-20h hằng ngày) sẽ thấy nhan nhản các loại quảng cáo thuốc với chức năng tăng nam tính, thêm nữ tính… Thậm chí nhiều người sẵn sàng bỏ số tiền hàng ngàn đô để mua các loại viagra “xách tay” nước ngoài về. Có người chỉ cần nghe đồn có một loại này hay, loại kia mới là lập tức tìm mua để thử bằng được… Rồi ngay tới rau cỏ cũng được cho dùng “viagra của rau cỏ”, với loại chỉ cần phun sau một đêm đã dài ra vài cm.

 

Ấy thế mà mới bỏ chút ít tiền cho thuế, phí, giá cả có lên không xuống mà đã kêu như vạc, quý vị phải nhớ rằng thuế, phí, giá của nhiều loại hàng hóa tại VN thuộc hàng rẻ nhất thế giới, như EVN nói giá điện chưa bằng khu vực, giá rẻ nhất thế giới, Giao thông nói phí bảo trì chưa bằng các nước, than nói giá cũng rất thấp, nước nói giá rẻ như cho… Nói chung, so với thế giới thuế, phí, giá chưa là gì, chưa tương xứng với tiềm năng đóng góp của người Việt. Dù rằng chất lượng thuộc loại kém nhất thế giới, chăm sóc khách hàng chắc cũng dở nhất… Biết đâu dân tình uống nhầm phải “viagra kêu”.

Dù sao thì, đừng có ngạc nhiên nếu khi nghe tin đâu đó có người đột quỵ, vì sống trong môi trường mà bất kể thử gì cũng dường như được dùng viagra, và vì là dùng phải viagra giả, như bao thứ giả tràn lan hiện nay, nên chỉ có lên ầm ầm mà không có xuống, thành ra thế.

 

Phạm Thanh

 

 

Giá lạnh lùng, dân lạnh gáy

 

Thứ Hai 5/8/2013 (Vietnamnet)

 

Cuối cùng, mọi quyết định tăng giá đã được thực hiện một cách nhanh chóng, trọn vẹn ngay thời điểm CPI có dấu hiệu tăng trở lại.

 

Nhìn lại cả quá trình hơn 1 tháng cho thấy sự dồn dập và quyết liệt đến lạnh lùng của giá cả. Dù đã được dự báo và đánh động nhiều lần nhưng bất cứ lúc nào và nhất là trong thời điểm hiện nay, tăng giá luôn khiến người dân cảm thấy lạnh gáy.

 

Ngày 31/7 đã để lại một dấu ấn khó quên khi giá điện và gas cùng tăng. Dù hai mặt hàng có hai cơ chế kinh doanh và điều hành giá khác nhau nhưng tăng giá năng lượng đầu vào luôn là một sự kiện chấn động đối với DN và người dân.

 

Sự chấn động đó càng mạnh hơn khi biết rằng, đã 3 lần trong hơn một tháng qua, xăng đều đặn lên giá ở mức trên dưới 400 đồng. Không những thế, ngay sau khi giá điện tăng, xăng lại kêu lỗ 500 đồng/lít như mở đầu cho một lộ trình quen thuộc để tăng giá.

 

Trước đó, trong tháng 7, dân Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã nhận thông tăng viện phí và học phí. Bên cạnh đó, cần nhắc lại rằng, không chỉ ở Hà Nội mà từ cuối năm ngoái, việc tăng viện phí đã được thực hiện trên khắp cả nước. Sau mọi yêu cầu trì hoãn, Hà Nội dường như là địa phương cuối cùng thực hiện tăng viện phí. Còn việc tăng học phí ở TP Hồ Chí Minh sẽ thực sự trở thành một vấn đề cho nhiều gia đình và thành phố này khi mùa khai giảng cũng là khởi đầu cho chu kỳ tăng giá cuối năm tới đây.

 

Phụ họa thêm trong làn sóng tăng giá dồn dập trên đây là đợt tăng giá lần thứ 5 trong 6 tháng đầu năm của sữa và việc tăng giá sữa vẫn chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Bên cạnh đó, cơn bão số 5 đã đẩy giá cả thực phẩm ở Hà Nội và miền Bắc tăng lên là sự báo động về mùa bão lụt đang đến – một tác nhân gây thiệt hại sản xuất và tăng giá đang hoành hành.

 

Nếu như việc tăng giá trên đây đều có quyết định thì điều lo ngại nhất là một làn sóng tăng giá mới sẽ ập đến sau đây mà không cần một quyết định nào. Lý do muôn thuở và chung nhất vẫn là: điện xăng tăng giá thì hàng hóa cũng phải tăng theo. Đấy là chưa kể trào lưu “tát nước theo mưa” để tăng giá chưa bao giờ ngừng lại mỗi khi nhà nước điều chỉnh các mặt hàng qua trọng.

 

Dù đã có những giải thích, chỉ ra nguyên nhân tâm lý, đầu cơ, lợi dụng tăng giá và lấy con số dự báo kết quả tác động vòng 1 – tác động trực tiếp thường rất thấp lên giá cả chung để đưa ra những câu trấn an quen thuộc: tăng giá ảnh hưởng không lớn đến lạm phát. Tuy nhiên, không thể bỏ qua những các tác động gián tiếp vòng 2, vòng 3 vốn kéo dài và sâu rộng hơn và liên quan đến mọi mặt đời sống hàng ngày của người dân dù đã được thừa nhận nhưng chưa mấy khi được tính toán và công khai đầy đủ.

 

Tháng 7 vừa qua, CPI dù vẫn tăng thấp những đã đánh dấu xu hướng tăng trở lại của lạm phát, với những quyết định tăng giá điện, xăng mới đây… đã có những tính toán dự báo về tác động của nó khiến lạm phát tăng lên trong thời gian tới.

 

Có thể mức tăng đó không lớn về con số tuyệt đối và vẫn nằm trong mục tiêu lạm phát cả năm đề ra nên nhiều chuyên gia đã cho rằng lạm phát không còn là vấn đề đáng lo ngại. Và điều cũng được lặp lại trong các lý giải quyết định tăng giá là: đã tính toán kỹ và không gây tác động lớn đến lạm phát.

 

Nhưng có vẻ mọi giải thích và tính toán đó đã bỏ qua hay cố tình quên đi thực tế kinh tế khó khăn khiến thu nhập và đời sống người dân đang bị ảnh hưởng, đa số người dân rất chật vật và cố gắng thu hẹp chi tiêu để tồn tại qua giai đoạn khó nhất. Trong hoàn cảnh đó, việc tăng giá chắc chắn sẽ gây nên những tác động khó khăn gấp nhiều lần cho đời sống người dân.

 

Đối với cán bộ công chức, việc tăng lương năm nay vốn đã chậm lại thấp hơn mức dự kiến và trung binh hằng năm. Với nông dân, giá cả những mặt hàng quan trọng như lúa gạo, thủy sản, cà phê, cao su hay chăn nuôi… đều trong giai đoạn đi xuống; khó khăn – thua lỗ vẫn là tình trạng chung được phản ánh thường xuyên.

 

Còn khối kinh doanh chắc chắn không thể có một thực tế sáng sủa khi sức tiêu thụ giảm, kinh doanh thua lỗ, DN nợ nần và phá sản nhiều khiến cho thu ngân sách bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Giữa hai chiều thực tế đó, việc tăng giá dồn dập vừa qua đối với đa số người dân và DN vẫn là một thực tế đáng lo ngại. Và cách đưa ra các quyết định một cách bất ngờ, chóng vánh, cho đến những giải thích và trấn an vắn tắt, chung chung và công thức càng khiến cho người dân và DN cảm nhận được sự lạnh lùng của tăng gia và tất nhiên đối diện với những tác động của nó mọi người đều thấy lạnh gáy.

 

Những lý giải, những con số lạm phát dù thấp cũng không thể đủ yên lòng vì giá vẫn tăng còn thu nhập và đời sống vẫn trong tình cảnh khó khăn chung và chưa có nhiều cải thiện. Đó hẳn là một thực tế đáng sợ hơn tất cả mọi con số.

 

Lê Khắc

 

Giảm lãi suất ‘là bước đi mạo hiểm’

Từ BBC ngày 26/3/2013

Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong suốt năm ngoái bất chấp nhiều lần giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước

Giới chuyên gia cảnh báo những rủi ro tiềm tàng trong việc hạ lãi suất mới nhất của Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 26/3, các ngân hàng trong nước chính thức hạ lãi suất huy động từ 8% xuống còn 7,5% một năm.

Thông báo của Ngân hàng Nhà nước ngày 25/3 cũng cho hay lãi suất tái cấp vốn sẽ được hạ xuống từ 9% còn 8% một năm và sẽ điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu từ 7% xuống 6% một năm.

Việc hạ lãi suất được quyết định ngay sau khi Tổng cục thống kê thông báo số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái hạ xuống mức 6,8%, thấp hơn 0,2% so với một tháng trước đó.

‘Bước đi mạo hiểm’

Thông thường, lãi suất giảm có ý nghĩa có lợi cho doanh nghiệp vì điều này đồng nghĩa với chi phí vay vốn giảm, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng rất thấp trong thời gian qua.

Trước đó, hồi tháng Hai, ngân hàng JPMorgan Chase đã dự đoán Việt Nam có thể hạ lãi suất 1% nếu như tăng trưởng vẫn ở mức thấp như hiện nay, đồng thời nói khó có khả năng điều này sẽ làm mất ổn định kinh tế vì triển vọng lạm phát đã được kiềm chế, tăng trưởng tín dụng chậm cũng như tài khoản vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế đều được cải thiện.

Trả lời BBC tiếng Việt ngày 26/3, tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng việc hạ lãi suất là một nỗ lực về một mặt nào đó là “đáng trân trọng.”

Tuy nhiên ông cũng cảnh báo những rủi ro của việc hạ lãi suất, mà trước hết là bắt đầu bằng mức độ tin cậy của việc nợ xấu được công bố là đã giảm từ 8,6% trong năm 2012 xuống còn 6% ở thời điểm hiện tại:

“Người ta không hiểu rằng nợ xấu đó giảm từ đâu, bằng biện pháp nào hay đó chỉ là biện pháp ‘bút toán’, nghĩa là chuyển số nợ xấu đó vào một tài khoản khác rồi lấy tiền dự trữ bắt buộc đưa ra thay thế?”

Cũng theo ông Doanh, tình hình lạm phát đang diễn biến khá phức tạp:

“Chính phủ đã có nỗ lực không cho phép tăng giá xăng dầu thời gian vừa qua.”

“Nhưng có nhiều dấu hiệu điện có thể sẽ phải tăng giá vì họ sẽ phải dùng dầu DO để sản xuất thay cho than và khí, vì thế giá thành sẽ lên cao và họ có thể sẽ phải nâng giá điện.”

“Đó là chưa kể đến những yếu tố khác như chi phí y tế của các bệnh viện của một số tỉnh cũng muốn tăng lên.”

“Tất cả những yếu tố đó có thể làm lạm phát tăng trở lại.”

“Việc tiếp tục giảm lãi suất nữa là một điều khá mạo hiểm.”

Có giúp được doanh nghiệp?

 

Nhiều ý kiến cho rằng việc hạ lãi suất là dễ hiểu, sau khi Tổng Cục thống kê Việt Nam công bố chỉ số giá tiêu dùng trong tháng Ba.

Theo ông Doanh, chỉ số công nghiệp ba tháng đầu năm rất thấp, trong khi đó số hàng tồn kho lại rất cao.

“Chừng nào còn ngần ấy yếu tố thì việc hạ lãi suất chỉ có thể đem lại một tác động hạn chế mà thôi.”

“Tôi nghĩ cần có một nỗ lực đồng bộ bên cạnh việc giảm lãi suất, cũng phải nỗ lực giải quyết nợ xấu, cải cách hệ thống ngân hàng và giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng tồn kho của họ.”

Tờ Financial Times ngày 25/3 cũng có bài viết nói về việc nhiều doanh nghiệp Việt Nam không được tiếp cận vốn vay mới, bất chấp những lần hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.

Financial Times dẫn ví dụ trường hợp một giám đốc công ty nội thất ở Bình Dương nói năm ngoái, người này đã nộp đơn xin vay vốn ở bốn ngân hàng nhưng đều bị từ chối.

“Mỗi lần tôi nghe đến việc lãi suất giảm, tôi đều đi hỏi ngân hàng nhưng không bao giờ được tiếp cận vốn ở mức lãi suất mà họ quảng cáo,” người này nói.

“Hơn một nửa số công nhân của tôi đã phải nghỉ việc trong hai năm qua. Liệu lần này tôi có nên hy vọng?”

Hồi tháng Chín năm ngoái, khi thống kê chính thức của Ngân hàng Nhà nước vẫn ở mức 8,6%, hãng xếp hạng tín dụng Moody’s đã cho rằng khối nợ xấu khổng lồ hiện tại đang hạn chế khả năng vay mượn của ngân hàng, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng trung hạn của nền kinh tế và tăng quan ngại về một gói cứu trợ tốn kém cho ngành ngân hàng từ phía chính phủ


Nguồn tin: www.gocnhinalan.com
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Chào mừng đến với website Công ty Luật Đăng Duy